Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng,
Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
Cách mạng tháng Tám năm 1945
thành công, đưa nhân dân ta thoát khỏi xích xiềng nô lệ của thực dân, đế quốc,
phong kiến. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Hồ Chủ tịch
đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhưng niềm vui được hưởng độc
lập, tự do của nhân dân ta chưa trọn vẹn vì chỉ 21 ngày sau Ngày Quốc khánh,
ngày 23/9/1945, thực dân Pháp với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, đã gây
hấn ở Sài Gòn. Nhân dân Nam Bộ lại phải tiếp tục cầm súng, đứng lên cứu nước.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã
ngã xuống trên chiến trường hoặc khi trở về đã mang thương tật.
Nhằm động viên các gia đình có
người đã hy sinh, ngày 2/10/1945, Bác Hồ đến Nhà thờ Lớn (Hà Nội) làm lễ cầu
hồn cho các chiến sĩ hy sinh ở miền Nam và trong phiên họp Hội đồng Chính phủ
ngày 20/11/1945, Người đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ đã hy
sinh cho Tổ quốc tại quận Cái Răng, Cần Thơ vào ngày 12/11/1945 (1).
Chia sẻ nỗi đau với thân nhân
liệt sĩ, ngày 7/11/1946, Bác Hồ ra “Thông báo về việc nhận con các liệt sĩ làm
con nuôi” (2)...
Sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ
dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ thể hiện ở chỗ Người cho rằng cần phải
có Ngày Thương binh - Liệt sĩ để “tưởng nhớ những người con đã để lại một
phần thân thể hoặc bỏ mình trong khi làm nhiệm vụ vinh quang, đem xương máu đắp
thành bức tường đồng, thành con đê vững chắc để ngăn chặn giặc ngoại xâm...”.
Với ý nghĩa ấy, tháng 6/1947,
Bác đã chỉ thị chọn 1 ngày trong năm làm ngày “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ
thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung
ương, khu và tỉnh họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên nhất trí lấy ngày
27/7/1947 là “Ngày Thương binh, Liệt sĩ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội (năm 1955). Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ nêu rõ sự đền ơn, đáp
nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm
cụ thể, bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và nhân dân cùng
thực hiện. Khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ thì “nên coi đó là nghĩa
vụ của nhân dân. Không nên coi đó là việc làm phúc”.
Trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ
tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỉ niệm có mặt
2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ gửi Ban Thường trực
của Ban Tổ chức Ngày “Thương binh toàn quốc”, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm
và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương
binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc,
bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm
đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người
con anh dũng ấy" (3).
Nhân ngày này, Bác Hồ gửi tặng
Ban Thường trực 1 chiếc áo lụa, 1 tháng lương của Người, tiền 1 bữa ăn của
Người và của nhân viên làm việc trong Phủ Chủ tịch, tổng cộng 1.127 đồng.
Xuất phát từ thực tế đất nước
còn nghèo lại đang tiến hành kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ cho rằng công tác
thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời
gian”. Do đó, phải chú trọng những biện pháp để đồng bào nhiệt tình đền ơn, đáp
nghĩa, còn những người được giúp đỡ thì “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh
thần và có dịp tham gia hoạt động lợi ích cho xã hội”.
Với các thương binh, Người ân
cần căn dặn: “Hòa mình với nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, không
công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỷ luật, không bi quan
chán nản” và “thương binh tàn nhưng không phế”...
Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác
đều gửi thư và tặng quà cho các thương binh, gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa,
Bác Hồ vẫn luôn canh cánh trong lòng việc đền ơn đáp nghĩa với thương binh,
bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 5/1968, mặc dù đang ốm
mệt, Người vẫn đọc lại bản thảo Di chúc và viết bổ sung một số nội dung, trong
đó có đoạn về thương binh, liệt sĩ: "Đối với những người đã dũng cảm hy
sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh
niên xung phong..,), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ
có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những những lớp dạy nghề thích hợp
với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa
phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh
anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân
ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của
thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền
địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải
giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét" (4).
Thực hiện tâm nguyện của Người,
trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã thể hiện trách nhiệm đối
với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ bằng những chính sách ngày càng
hoàn thiện.
Trong cả nước, những chương
trình xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc và nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam
anh hùng; quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; xây dựng nhà tình nghĩa cho
thương binh, gia đình liệt sĩ cùng với chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc
làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách
đã được thực hiện.
Điều đó cho thấy dù trong bất kỳ
hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng công tác thương
binh, liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” ngàn
đời của dân tộc Việt Nam./.
Chi Phan (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)
------------------------------------
[1] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 50, tờ 94
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 4, tr.435
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.175
(4) Sách "Di chúc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999